Bệnh chốc lở ở trẻ em, Những điều cần thận trọng và cách phòng ngừa

Ngày đăng: 06-03-2018 05:25:12 PM - Đã xem: 4431

Bệnh chốc lở ở trẻ em là tình trạng viêm nhiễm trùng ngoài da do vi khuẩn gây nên. Bệnh chốc lở có thể dễ dàng lây trực tiếp từ trẻ này sang trẻ khác hoặc từ vùng da bệnh sang những vùng da lành. Bệnh chốc lở là vấn đề thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo và rất dễ lây lan theo mùa. Nhìn chung bệnh chốc lở không quá nguy hiểm tuy nhiên, cha mẹ cần có những kiến thức cần thiết để xử lý và điều trị bệnh kịp thời để bé khỏi nhanh, không để lại sẹo trên da. Những trường hợp chủ quan hay điều trị không đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng hơn.

Những triệu chứng của bệnh chốc lở ở trẻ em

Chốc lở ở trẻ em thường có hai dạng điển hình: có bọng nước và không có bọng nước

  • Chốc lở có bọng nước nguyên nhân thường do tụ cầu gây nên. Biểu hiện điển hình của bệnh là: Khởi phát là những dát đỏ cỡ 0.5-1cm, sau đó thì phồng lên thành những bọng nước. Bọng nước có nước mủ đục hoặc ngà ngà vàng, xung quanh có quầng đỏ. Sau đó vài giờ hoặc vài ngày sau, bọng nước chốc lở sẽ bị vỡ ra tiết ra chất dịch vàng nâu. Thường thì chốc lở dạng bóng nước xuất hiện ở những vùng da mặt, lòng bàn tay, bàn chân, da đầu. Khi bé chị chốc lở sẽ có cảm giác ngứa ngáy dẫn đến gãi làm thương tổn lan rộng ra vùng da khác, một số trường hợp gây sốt, viêm hạch lân cận.
  • Dạng thứ hai là chốc lở không có bọng nước. Nguyên nhân là do liên cầu tan huyết nhóm A gây nên. Biểu hiện của bệnh là những mụn nước xuất hiện nhưng dập vỡ nhanh trên da và tiết dịch ướt, không có các bọng nước như ở trên. Vùng da bị chốc lở có ít vảy da ngoài viền, vảy chốc tiết dịch vàng, viền da tấy đỏ xung quanh. Vị trí thường xuất hiện chốc lở dạng này là ở mặt, hốc mũi, dưới môi và cầm, tay, chân…

Cách xử lý khi trẻ bị chốc lở

Khi phát hiện các biểu hiện chốc lở ở trẻ em, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay, phòng khám, bệnh viện để được sự tư vấn và hỗ trợ từ bác sĩ. Những xử lý đầu tiên là cho trẻ tắm rửa sạch sẽ, sát khuẩn bằng cách pha loãng thuốc tím với nước ấm để tắm cho trẻ với tỉ lệ 1/10.000. Ở dạng chốc lở mới khởi phát dạng nhẹ, cha mẹ có thể dùng một số loại thuốc sát trùng như betadine hoặc thuốc methylen bôi lên vùng da tổn thương. Chú ý theo dõi và quan sát tiến triển bệnh của trẻ để nhờ tư vấn của bác sĩ kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Khi bị chốc lở ở trẻ em sẽ gây ngứa khó chịu, việc trẻ gãi, sờ vào chỗ vết thương có thể khiến chốc lở lây lan ra những vùng da khác và khiến tổn thương trầm trọng hơn. Do đó, khi trẻ mắc chốc lở, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi, kiểm soát sự lan rộng của chốc trên cơ thể, nhắc con tránh gãi vào vết thương và hạn chế tiếp xúc với những trẻ khác để tránh lây

Về cách điều trị chốc lở, trường hợp nhẹ có thể làm sạch vết thương bằng dung dịch thuốc tím pha loãng hoặc nước muối sinh lý. Dùng mỡ/kem kháng sinh ngày 2 lần (acid fusidic, mupirocin)

Khi chốc lở bị lan rộng, dai dẳng không hết. Phương pháp điều trị là dùng kháng sinh toàn thân, tránh nguy cơ biến chứng viêm cầu thận cấp. Những kháng sinh có thể dùng là cephalosporin, â-lactam, macrolid, pennicilin…Tất nhiên mọi hướng dẫn điều trị phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Phòng ngừa bệnh chốc lở ở trẻ em

Để phòng ngừa chốc lở ở trẻ em, cách tốt nhất là luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho cơ thể, giữ cơ thể thoáng mát, quần áo khô ráo, thấm hút mồ hôi để tránh phát sinh cũng như nguy cơ lây lan bệnh.

Cha mẹ hướng dẫn con chơi nơi sạch sẽ, tránh xây xác da, côn trùng cắn. Tắm rửa sạch sẽ sau khi vui chơi hoặc tiếp xúc với môi trường bụi bẩn.

Cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây cung cấp vitamin.

Khi phát hiện chốc lở cần điều trị sớm và tích cực, không xây xát , gãi ngứa để tổn thương lan rộng.

  • PHÒNG KHÁM NHI ĐỒNG YÊU TRẺ