Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) – Những điều cha mẹ nên biết

Ngày đăng: 04-03-2018 06:23:12 PM - Đã xem: 2130

1.Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?

Trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý có sự khác biệt trong phát triển và hoạt động của trí não, ảnh hưởng đến khả năng chú ý,khả năng ngồi yên,cũng như khả năng làm chủ bản thân của trẻ. Rối loạn tăng động giảm chú ý có thể tác động đến  trẻ khi đến trường, khi kết bạn và cả khi ở nhà.

2.Dấu hiệu rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?

Trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể có một hay nhiều nhóm dấu hiệu sau:
Giảm chú ý.
Trẻ gặp khó khăn trong điều khiển sự chú ý.
Trẻ khó tập trung và khó duy trì việc đang làm.
Trẻ có thể không thực hiện được theo các hướng dẫn,hay bỏ lỡ chi tiết quan trọng,không hoàn thành công việc.
Trẻ hay mơ màng, thường hay quên và hay làm mất đồ.

Tăng động
Trẻ em bồn chồn, hoạt động tay chân liên tục và dễ chán.
Trẻ khó ngồi yên, khó giữ im lặng khi cần thiết.
Trẻ hay leo trèo, chạy nhảy không đúng lúc.
Trẻ hay xen ngang, tự tiện tham gia vào hoạt động của người khác.

Xung động.
Trẻ thường chen lấn,tranh giành, để lấy đồ mà không chờ tới lượt.
Trẻ làm mà không xin phép, lấy đồ của người khác.
Trẻ có hành vi nguy hiểm,gây hấn.
Trẻ có phản ứng cảm xúc, căng thẳng quá mức so với tình huống.

3.Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) được chẩn đoán như thế nào?

Nếu bạn nghĩ rằng trẻ có dấu hiệu của ADHD,bạn nên cho trẻ đi khám. Đầu tiên các bác sỹ sẽ thăm khám toàn diện để chắc chắn rằng không có bệnh lý thực thể nào gây ra các triệu chứng trên cho trẻ. Sau khi đã loại trừ các nguyên nhân thực thể, bác sỹ sẽ đề nghị cho trẻ đến khám chuyên khoa tâm lý-tâm thần trẻ em.

Tại đây, các chuyên gia sẽ bắt đầu hỏi về sức khoẻ,hoạt động, hành vi cư xử của trẻ và sau đó sẽ trao đổi, trò chuyện với cha mẹ cũng như trẻ về những điều họ đã nhận thấy. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn hoàn thành một bảng kiểm đánh giá về hành vi của trẻ và có thể yêu cầu bạn gửi cho giáo viên của trẻ một bảng kiểm tương tự.

Sau khi thăm khám và thu thập các thông tin này, các bác sĩ tiến hành việc chẩn đoán và trao đổi cụ thể với bạn về tình hình và kế hoạch điều trị cho trẻ nếu trẻ thật sự có ADHD.
4.Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)được điều trị như thế nào?

Điều trị thường bao gồm:
Điều trị thuốc. Thuốc có tác dụng kích hoạt khả năng chú ý của não, kiểm soát hoạt động của trẻ nhiều hơn.
Liệu pháp hành vi.  Nhà trị liệu tâm lý có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và lập kế hoạch.
Huấn luyện phụ huynh. Thông qua huấn luyện, phụ huynh tìm hiểu những cách tốt nhất để đáp lại những khó khăn trong hành vi của trẻ.
Hỗ trợ của trường học. Giáo viên có thể giúp trẻ yêu thích việc học và làm tốt ở trường.

 5.Những điều cha mẹ nên làm.

Nếu con của bạn được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý(ADHD):
Hợp tác trong điều trị cho trẻ. Tìm hiểu về rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Tuân thủ điều trị của bác sỹ và cho trẻ tái khám theo hẹn.
Cho trẻ dùng thuốc an toàn. Nếu con bạn đang dùng thuốc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), hãy luôn cho bé dùng thuốc đúng thời gian và liều lượng.
Phối hợp với trường học. Gặp gỡ thường xuyên với giáo viên để tìm hiểu xem con của bạn đang làm gì ở trường và phối hợp để giúp đỡ trẻ.
Giáo dục trẻ đúng cách. Tìm hiểu cách tiếp cận tốt nhất cho trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và những gì có thể làm cho ADHD tồi tệ hơn. Tập trung vào điểm mạnh và tích cực của con bạn.  
Kết nối để được hỗ trợ. Tham gia một tổ chức/ nhóm cho rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) để được cập nhật về điều trị và các thông tin khác.

Tài liệu tham khảo: kidshealth.org

  • PHÒNG KHÁM NHI ĐỒNG YÊU TRẺ